Đây, một số cách trả lời phỏng vấn xin việc cho thanh niên ngày nay...
Bí quyết trả lời phỏng vấn
Trả lời phỏng vấn xin việc luôn là một điều khó khăn với nhiều người. Sau đây là những câu hỏi phổ biến và cách trả lời tối ưu trong từng trường hợp để giúp bạn chuẩn bị cho lần phỏng vấn tiếp theo.
1. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
A. Tôi là người cầu toàn.
B. Tôi là người không máy móc, vì vậy nếu chiếc máy photocopy bị hỏng, xin đừng gọi tôi.
C. Tôi là người nghiện việc.
Câu trả lời tốt nhất là B.
Theo cách đó, ứng cử viên bộc lộ khiếu hài hước của mình, nhưng vẫn trả lời được câu hỏi mà không đề cập đến sự tiêu cực nào trong công việc. Câu trả lời về sự cầu toàn và nghiện việc là phổ biến, nhưng sẽ không khỏi để lại cho người phỏng vấn những nghi ngờ. Liệu họ có quá lề mề chỉ vì đòi hỏi mọi thứ hoàn hảo? Liệu họ có bóc lột sức lực của nhân viên và đồng nghiệp? Đề cập đến những tính cách đó có thể gây bất lợi, đặc biệt khi không có những ví dụ hoặc giải thích kèm theo.
2. Bạn kiếm được bao nhiêu trong công việc trước?
A. 41.000 USD (sự thật)
B. 46.000 USD (phóng đại)
C. Mức lương của công việc này là bao nhiêu?
Câu trả lời tốt nhất là C.
Câu A có thể hạ thấp giá trị của bạn, và người chủ có thể nghi vấn về kỹ năng và năng lực của bạn nếu mức lương thấp. Nói dối bằng câu trả lời B có thể đẩy bạn vào tình huống mạo hiểm và có thể bị sa thải, vì vậy đừng bao giờ nói dối, đặc biệt là trong đơn xin việc. Cách trả lời tốt nhất là buộc người tuyển dụng phải đưa ra mức lương trước, bằng cách trả lời bằng một câu hỏi. Biện pháp này là một cách đàm phán hiệu quả khi bạn được đề nghị một chức vụ mới.
3. Tại sao bạn lại bỏ công việc trước?
A. Công ty đó quá nhỏ để tôi có thể phát triển.
B. Công ty đó thu nhỏ quy mô, vì vậy tôi lại tự do.
C. Tôi đang tìm kiếm thêm nhiều thách thức.
Câu trả lời tốt nhất là cả 3 phương án trên.
Tất cả đều có thể là lý do để chuyển việc. Bám sát lấy sự thật càng tốt, mà không đưa ra bất cứ thứ nào tiêu cực về ông chủ cũ.
4. Hãy miêu tả một người đồng nghiệp mà bạn khó chịu
A. Một trong những kỹ sư nói tiếng Anh không thạo vì vậy rất khó để giao tiếp với anh ấy.
B. Anh chàng này toàn tán tỉnh và rủ tôi đi chơi. Tôi đã lờ đi và nói: "Xin lỗi, tôi đã có chồng".
C. Một ông chủ của bộ phận khác thường vào văn phòng của tôi, la hét và réo tên tôi. Tôi đã yêu cầu ông ấy bình tĩnh và giải thích, khi ông ấy vẫn như vậy thì tôi bỏ đi chỗ khác.
Câu trả lời đúng nhất là C.
Có rất nhiều bẫy trong những câu trả lời này. Tán tỉnh hoặc quấy rối tình dục là một vấn đề nghiêm trọng, hoạt động và hành vi của bạn sẽ có thể bị nghi vấn, vì vậy tránh câu trả lời này. Sự đa dạng văn hoá là xu hướng của các tập đoàn, vì vậy những nhận xét mang tính bất dung hoà sẽ khiến bạn khó được lựa chọn. Câu trả lời C cho thấy nỗ lực của bạn để duy trì sự bình tĩnh và sáng suốt, đồng thời cho thấy bạn có thể kiềm chế và không phải là tên ưa nói chuyện bằng tay chân.
5. Hãy miêu tả công việc lý tưởng của bạn?
A. Một công việc có những người đồng nghiệp dễ chịu.
B. Một công việc mà tôi có thể tận dụng kỹ năng của mình.
C. Một công việc có nhiều cơ hội thăng tiến.
Câu trả lời tốt nhất là B.
Chiến thuật tự quảng cáo tốt nhất là tập trung vào nhu cầu của người tuyển dụng và khát vọng được sử dụng năng lực vì lợi ích của họ.
6. Công việc này đôi lúc cần làm thêm giờ, thậm chí cả buổi tối và thứ7. Bạn có thể đáp ứng được không?
A. Tôi cần được thông báo trước và có thể sắp xếp.
B. Phải làm thêm bao lâu và bao nhiêu ngày thứ 7?
C. Có thể, làm thêm giờ là điều bình thường với công việc này.
Câu trả lời tốt nhất là B.
Mọi câu trả lời khác đều tự ước đoán về lượng thời gian làm thêm. Tốt nhất là hỏi cụ thể và trả lời thành thật.
7. Bạn đã bao giờ bị sa thải hoặc cách chức?
A. Không hẳn vậy, tôi đã bị mất việc trong một lần tái cơ cấu.
B. Công ty của tôi đã quyết định đi theo một hướng khác và để tôi ra đi.
C. Không.
Câu trả lời tốt nhất là cả 3 phương án trên.
Nhiều người nói dối, nhưng nó sẽ nguy hiểm bởi người ta có thể kiểm tra lại. Một câu trả lời chân thật mà không có ý tiêu cực là giải pháp tốt nhất. Hãy nói ngắn gọn, súc tích. Cách tốt hơn là miêu tả những lần thôi việc là chuyện "tái cơ cấu". Giờ đây việc tái cơ cấu và giảm biên chế là điều rất phổ biến người ta sẽ không nghĩ nhiều về nó.
8. Bạn có rất nhiều kinh nghiệm, tại sao lại chọn công việc này?
A. Tôi sẵn sàng làm mọi thứ để có được sự nghiệp thuận lợi và thể hiện khả năng của mình.
B. Tôi muốn bỏ bớt một số trách nhiệm để có thể cân bằng tốt hơn công việc và gia đình.
C. Tôi cần công việc ít phải đi lại và bớt căng thẳng như việc quản lý mà tôi từng làm.
Câu trả lời tốt nhất là B.
Cách trả lời quá khát khao của câu A có thể làm người tuyển dụng lo sợ. Họ sẽ không tin là bạn sẽ chấp nhận làm việc ở đó mà không mong muốn điều gì hơn nữa. Nhiều ông chủ nghĩ rằng việc từ chức quản lý chứng tỏ bạn đã kiệt sức, hoặc gặp khó khăn trong quan hệ với đồng nghiệp, hoặc chỉ muốn kiếm tiền một cách đơn giản. Câu trả lời B là có giá trị cho việc chuyển việc. Cần nhắc đến rằng việc làm thêm giờ hoặc các trách nhiệm gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, nhưng cũng nhấn mạnh mình có đủ kỹ năng và khả năng làm việc theo giờ mà họ yêu cầu.
Cuối cùng: Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phỏng vấn, hãy viết ra cẩn thận những câu trả lời cho các câu hỏi dễ gặp. Cần đưa ra những ví dụ cụ thể về khả năng làm việc của mình.